Sách

Sông…

Mình đang ở trong những ngày dài lặng lẽ, dù vẫn phải làm nhiều thứ nhưng len lỏi vẫn là những giây phút thả dòng suy nghĩ đi đâu đó trong một thế giới riêng biệt. Dường như mình vẫn như ngày nào, hòa đồng mà tách biệt, thực tế nhưng đầy mơ màng.

Thế rồi bất chợt mình nhớ tiểu thuyết Sông của Nguyễn Ngọc Tư, một cuốn tiểu thuyết mình đọc vài tháng trước, một cuốn tiểu thuyết cũng thực thực mơ mơ.

Mình từng nói truyện của Nguyễn Ngọc Tư rất ngột ngạt. Chị viết về những mảnh đời gắn với miền sông nước, chị viết về nỗi buồn nhưng đó là những nỗi buồn mất niềm tin và hy vọng. Không phải vì truyện của chị thường có một cái kết không mấy vui, mà vì những nhân vật của chị ít tìm thấy lối thoát, họ quẩn quanh, họ lạc lõng, họ rơi tõm vào những khúc sông chảy mãi và “tan biến”. Là do mình chưa đủ hiểu Miền Tây, là do mình chưa thực sự đi vào tận cùng của những dòng sông hay những năm tháng có cơ hội sống ở đấy, mình chỉ là một bóng người lướt vội? Có lẽ. Hoặc do đôi lúc, cái mình tìm kiếm ở những câu chuyện là một điều gì đó đỡ mỏi mệt hơn, không phải để thay đổi những số phận mà để một ý niệm nào đó nảy sinh, ý niệm giúp cho nhân vật tìm thấy một lối thoát hoặc chí ít là một điều gì đó khác với cuộc sống hằng ngày của họ, dù nhỏ bé.

Một lần nữa, mình lại bị cuốn trôi theo Sông, thông qua hành trình của Ân, một chàng trai đầy tâm sự. Một hành trình dài, dọc bờ sông Di. Một hành trình đi ngang những mảnh đời bám víu, vạ vật theo những dòng chảy của sông Di. Và, không lối thoát.

Tại sao Ân quyết định đi? Vì Ân muốn chạy trốn những vấn đề trong cuộc sống, muốn quên đi Tú, muốn tìm kiếm những hình ảnh mờ ảo của những bóng người mất hút theo những dòng chảy của sông Di, muốn thực hiện một cuốn di khảo đặc biệt về một dòng sông đặc biệt… hay thực sự Ân đang muốn biến mất, muốn xóa sổ một cuộc đời đầy những sự chán chường. Ân có tất cả những gì người khác mơ ước, một gia đình, một công việc, một cuộc sống thú vị, một người yêu. Nhưng đó là Ân trong mắt mọi người, còn Ân, một Ân thực sự hiện ra theo từng dấu chân của anh dọc sông Di, đó là một Ân chực tan vỡ, một Ân đầy hoài nghi, một Ân đang dần khô héo vì thiếu mục đích, thiếu cả tình yêu, thứ duy nhất có thể níu kéo anh. Nên hành trình của Ân với mình như hành trình đi ngang chính nội tâm của anh. Những người đồng hành với anh như những gương mặt khác trong con người anh, những gương mặt anh ẩn giấu đâu đó không bao giờ biểu hiện. Và những mảnh đời anh đã đi qua, đã nhìn thấy giống như từng lăng kính mà anh nhìn cuộc đời, thực mà đầy mơ hồ, quen mà đầy kỳ lạ.

Đến cuối cùng, Ân thực sự biến mất vào những dòng chảy sông Di. Đó là một điều được dự báo trước, đó là điều Ân đã biết trước. Ngày ra đi anh đã không nghĩ sẽ quay lại, chuyến đi một chiều, đi mãi đi mãi. Vậy mà vẫn có gì đó làm mình nao nao, nao nao vì vỡ ra, Ân không có được điều gì từ sông Di, không có được gì qua hành trình nội tâm.

Sông vẫn chảy, đời vẫn trôi, người biến mất sẽ chẳng bao giờ quay lại. Ai cười, ai khóc, ai nhớ, ai quên hay rốt cuộc chẳng có gì tồn tại…

————-

Sông Di với mình không thực sự quá ấn tượng vì vẫn là những mảnh đời, dọc theo những dòng sông. Và buồn. Nhưng có một số điểm mới mẻ khi kết hợp nhiều yếu tố tâm linh, mơ hồ. Chỉ là Ân đang rơi tõm vào những mảnh đời khác dù anh là nhân vật chính, mình nghĩ nên để Ân rõ ràng hơn thì sự biến chuyển tâm lý sẽ hợp lý và thuyết phục hơn.

Categories: Sách | 2 bình luận

Kira kira hikaru

IMG_1775

Kira kira hikaru

Định mệnh chỉ là một thứ tâm linh tương đối. Nhưng đôi khi người ta tin vào thứ tâm linh đó, không phải để phó mặc mà để khởi đầu, để từ khởi đầu đó, người ta lựa chọn, lựa chọn một bóng người, một vòng tay, một sự bình yên dịu dàng.

Shoko gặp Mitsuki như một sự run rủi của số phận. Chàng là một chàng trai “còn hơn cả tốt”, nàng là một cô gái cũng nổi bật. Nhưng chàng có khiếm khuyết, vì chàng đâu có cảm xúc với phái nữ, chàng đồng tính. Nàng cũng không khá hơn, nàng uống nhiều rượu và có thần kinh bất ổn. Và vì họ bất bình thường nên họ chọn nhau, đến với nhau như một kiểu vá víu, chắp nối những mảng màu rối mù, loan lổ.

Chẳng có bí mật nào, chàng biết rõ về nàng và nàng biết chuyện của chàng. Chàng vẫn sống cuộc đời chàng, nàng vẫn uống rượu và viết. Chỉ khác họ về chung một nhà, ăn cùng những bữa cơm, chuyện trò đủ thứ chuyện cùng nhau. Họ nói về nhiều điều, về Kon, người yêu chàng.

Một mối quan hệ kỳ lạ giữa họ. Một kiểu bất bình thường nhưng hoá ra lại bình thường. Chàng cần một người vợ và nàng cần một người chồng để thoả mãn hai bên gia đình, để trở nên bình thường theo tiêu chuẩn xã hội. Chàng cần một người chấp nhận bản thân và nàng cần một trái tim đồng điệu, cùng bước với nàng.

Với cả hai mà nói, có lẽ sẽ mãi là tri kỷ. Có lẽ nếu nàng không yêu chàng. Ừ, nàng yêu chàng mất rồi, yêu một người đã có người yêu, yêu một người khó lòng đáp lại. Tình yêu của nàng kỳ lạ như chính tính cách kỳ lạ của nàng. Một thứ tình yêu không yêu cầu, không đòi hỏi, không đam mê thể xác. Có đôi lúc nàng cũng khó chịu với Kon, thực ra là với tình cảm của Mitsuki. Dù nàng không đòi hỏi những nhu cầu thể xác, cũng chẳng hy vọng chàng sẽ yêu nàng như Kon, nhưng đâu đó sâu trong trái tim nàng vẫn cần một thứ tình cảm từ Mitsuki, thứ tình cảm có lẽ cả nàng cũng chả gọi thành tên.

Và cuối cùng, nàng đưa ra một quyết định kì quặc, nhưng không hề khó đoán với tính cách của nàng. Nàng quyết định tiếp tục làm vợ của Mitsuki, và nàng chấp nhận Kon trong mối quan hệ đó. Nàng sẽ yêu theo cách của nàng. Và chàng chấp nhận điều đó, có thể chàng không yêu nàng với tình yêu như Kon, nhưng với chàng thì nàng là tri âm, một tri âm chưa hẳn hiểu nhau, chưa hẳn đồng cảm nhau mà là cần nhau, cần cho cuộc đời chông chênh của cả hai. Có đôi khi giới hạn của không bình thường và bình thường chẳng thể phân định được. Cũng chẳng cần chọn nghiêng hẳn về bên nào, nếu chọn, hãy chọn bình yên.

————-
Tiểu thuyết: Kira kira hikaru
Tác giả: Ekuni Kaori
Được xuất bản ở Việt Nam rồi nhưng cái bìa thì mình không ưng lắm nên lấy bìa bên Nhật
Tiếp tục đọc

Categories: Sách | Bình luận về bài viết này

Chiến binh cầu vồng – Người làm nên những chiến binh…

chien_binh_cau_vong_sap_xuat_ban-240412

Tôi không biết gì về cuốn sách Chiến binh cầu vồng cho đến một hôm nó tự động tiến về phía tôi qua một “phi vụ chuyển nhượng”. Tôi cầm trên tay cuốn sách nhỏ đó nhưng không biết rằng nó là một thế giới thật đặc biệt, một thế giới của những chiến binh đời thường vượt lên tất cả để tỏa sáng thứ ánh sáng huy hoàng.

Chiến bình cầu vồng là một câu chuyện kể về hành trình giành lại “sự sống” cho một ngôi trường nghèo đang đứng trước nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn. Đó là câu chuyện của mười cô cậu học trò làm nên điều kì diệu. Họ đã sống, đã cố gắng và đã biết ước mơ. Thế giới sẽ thay đổi vì những người biết ước mơ và biết sống vì ước mơ…

Nhưng ở Chiến binh cầu vồng có một thứ khác, thứ khiến cho con tim tôi thắt lại. Đó là hình ảnh của những người giáo viên nhỏ bé, hình ảnh của thầy Harfan, của cô Mus. Những người đã dành trọn cả đời để cống hiến toàn bộ sức lực của bản thân vì một tương lai tươi sáng cho các trẻ em nghèo, vì một sự nghiệp giáo dục công bằng và vì một niềm đam mê cháy bỏng vơi cái nghề gian khó. Thầy Harfan, cô Mus đã bắt đầu bước đi trên con đường đã chọn khi chỉ mới 15, 16 tuổi. Nhưng suốt hành trình đó, họ chưa bao giờ cảm thấy hối hận, họ chấp nhận một công việc không lương và phải bươn chải nhiều công việc khác để sống. Họ bỏ qua cơ hội thay đổi cuộc đời để tìm về với cái khó nghèo. Họ mặc kệ hàng trăm, hàng ngàn giáo viên khác thoát ly để tìm con đường thuận buồm hơn… Họ chỉ đơn giản là chính họ, sống theo lý lẽ của con tim. Mọi người nhìn vào họ và bảo họ ngốc nghếch khi là một con thiêu thân, làm người đơn độc. Duy chỉ có họ biết họ không ngốc. Thầy Harfan đã một mình đương đầu với những khó khăn đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, và thầy mỉm cười. Cô Mus đã tiếp nối thế hệ đi trước, chiến đấu với một ngọn lửa yêu thương cháy mãi.

Nhờ có những người như thầy Harfan và cô Mus mà các bạn nhỏ được đến trường và có thêm sức mạnh để đối mặt với số phận. Dù cuộc đời sau này của các bạn có buồn, có vui thì khoảng thời gian các bạn đã sống như những chiến binh sẽ khắc ghi mãi trong tim làm động lực để các bạn tiếp tục vượt lên số phận.

Thầy Harfan và cô Mus đã làm nên những chiến binh cầu vồng. Nhưng với riêng tôi, hai người họ mới là những chiến binh cầu vồng thực thụ.

Những người bình thường có thể làm nên những điều phi thường.

Categories: Sách | Bình luận về bài viết này

Truyện của Nguyễn Ngọc Tư…


nnt2

Nhiều lúc cảm thấy bản thân thật may mắn. Có nhiều thứ mong muốn cuối cùng từ từ cũng đạt được. Và một trong nhiều thứ đạt được đó là “được tặng sách”. Điều này nghe ra thì có vẻ hết sức đơn giản nhưng đối với tôi thì đó là cả một vấn đề. Người thân trong gia đình cũng có đọc sách nhưng không có thói quen mua và tặng sách, bạn bè thì đọc vài ba cuốn theo trào lưu và luôn nghĩ quần áo, giày dép… mới thiết thực và là lựa chọn hoàn hảo khi tặng quà. Có lẽ do tôi mê sách nên hơi buồn một tí… Oài, nhưng sao lan man xa dữ vậy, trở lại vẫn đề chính là “được tặng sách”..

Món quà sinh nhật muộn năm nay của tôi là một tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư (NNT), tập hợp những tác phẩm hay nhất. Tất nhiên không thiếu “Cánh đồng bất tận”, từng một thời làm mưa gió khi được chuyển thể thành phim và khá thành công theo như đánh giá của người ta (không phải của tôi). NNT đối với tôi không lạ, cũng chẳng quen vì tôi mới biết đến chị qua vài truyện ngắn nhỏ. Giờ thì cơ hội tiếp xúc với truyện của chị đã đến.

Chung quy thì truyện của NNT có nét mộc mạc, giản dị, thấm đẫm không khí và chất quê. Chất quê này không phải là quê mùa, lạc hậu mà là chất quê hồn hậu, mang hương vị song nước, chân chất miền Tây. Nhân vật trong truyện của NNT thường là những người nông dân nghèo, trí thức nghèo sống bám trụ với ruộng vườn, con nước hoặc những nghề nhỏ mọn chỉ đủ mưu sinh. Và truyện của NNT có chất “buồn”, cái buồn man mác, buồn đôi khi khiến ta rơi nước mắt. Mà cũng lạ, cái buồn này nó không vồ dập ập đến nhanh và vội vã mà là cái buồn len lén ngấm ngấm từ từ xâm chiếm lấy mạch cảm xúc. Cái buồn này làm tôi chìm nghỉm trong mớ cảm xúc hỗn độn, và đôi lúc nó làm tôi mệt mỏi. Mấy câu chuyện buồn này làm cho thứ màu sắc đẹp đẽ của cuộc sống trong mắt tôi bị nhuộm một màu xám xịt xấu xí. Tôi không biết từ khi nào trở nên sợ những câu chuyện buồn. Có lẽ càng sống, người ta thấy nhiều hơn và biết rằng “đời không như là mơ” nên muốn thêu dệt nhiều thứ mơ màng cho những câu chuyện

Trở lại với tuyển tập này, người bạn tặng tôi cuốn sách đã nói rằng thích nhất là câu chuyện “thương quá rau răm”. Tôi nghĩ rằng, người bạn của tôi thích câu chuyện này vì hai lẽ. Thứ nhất là vì ông Tư, vì sự lựa chọn của ông Tư. Ông đã lựa chọn gắn bó cuộc đời của mình với mảnh đất buồn ngay từ cái tên “Mút cà tha”. Mà có phải ông không có chỗ nào để đi đâu. Ông về đây vì ông chọn nó, vì ông biết rằng ông thuộc về nơi đó, nơi khó nghèo với những con người chất phác, đơn giản đến không cần dò xét. Và lí do thứ hai bạn tôi thích truyện có lẽ vì Nga, vì thứ tình cảm nhẹ nhàng đến nhưng không nhẹ nhàng đi của cô, thứ tình cảm mới chớm và vội tan. Đó là tôi đoán thế, chứ tôi cũng không biết bạn tôi thích vì lí do gì. Riêng tôi thì tôi không tâm đắc truyện này, vì nó dập tắt niềm hy vọng nhỏ nhoi của tôi về một bóng người dáng thư sinh ở lại hoặc quay trở lại. Thì ra anh chằng Văn đó cũng đâu có hơn gì người khác, đúng thật “đời đâu có như ta mơ”

Trong tập truyện này, tôi thích nhất là “mối tình năm cũ”. Cái lí do tôi thích cũng không có gì đặc biệt, tôi thích truyện này vì ông Mười, vì cái tính khí và cái cách ông ấy yêu. Tôi luôn thích những con người giấu tình cảm vào trong, những người không vì người đời, người ngoài mà phô ra thứ tình cảm “đường mật đầu môi” hay những cử chỉ màu mè bóng bẩy. Người ngoài nhìn vào có thể nói những điều không tốt về họ như là đối với ông Mười, nhưng có hề gì, quan trọng là người trong cuộc, người vợ nghĩ sao về ông thôi. Tôi thích thứ tình yêu  đến từ sự đồng điệu, thấu hiểu, thong cảm không cần diễn tả bằng lời nói và cử chỉ lãng mạn, đúng cái kiểu như vợ chồng ông Mười. Chính những người như vậy lúc cần mới cho người khác thấy được tình yêu của họ, ông Mười cũng đã chứng minh được tình yêu của ông. Mà nói cho đúng thì ông đâu có chứng minh gì, chỉ vì ông không thể chịu đựng được khi thấy người mình yêu đau khổ, đang khóc muốn ngất đi. Kể ra thì ông Mười qua ngòi bút của NNT cũng thật quá đáng, nước mắt tôi rơi độp độp khi đọc đến đoạn ông lau nước mắt cho dì Thấm. Mà nước mắt rơi thế thôi chứ cũng hả hê, mấy người ở đó có thấy rõ chưa, không hiểu thì đừng có phán xét người khác.. haha

Còn một truyện tôi muốn đề cập, không hẳn là thích mà do không phải lần đầu tiếp xúc nên cũng muốn viết vài dòng. Câu chuyện tôi nói là “Một trái tim khô”. Tôi nghĩ rằng đa phần đọc giải cho rằng trái tim khô này là trái tim của chị Hậu, người đã trở nên thay đổi khi chứng kiến sự phản bội của người chồng. Nhưng theo cá nhân tôi thì đây không phải trái tim của chị Hậu. Trái tim của chị không hề bị “khô héo”, mặc dù chị bị trầm cảm sau tai nạn và nhiều thay đổi khi thấy sự thay đổi và đáng sợ của lòng người. Nhưng trái tim chị không hề “khô”. Nếu nó khô thì chị đâu có rung động lần nữa? Nếu nó khô thì chị đâu có nghĩ đến cảm xúc của người đó mà giữ khoảng cách? Nếu nó khô thì chị đâu thể làm công việc giúp đỡ bệnh nhân tâm thần? Trái tim khô là trái tim của người chồng, một người chồng vô ơn và bạc bẽo. Người có trái tim không phải của con người, trái tim anh ta đã khô héo từ lâu không còn tình cảm. Anh ta chỉ còn lái cái vỏ rỗng ruột nhạt nhẽo và vô hồn. Trái tim của một con người khi bị khô héo thật đáng sợ.

Categories: Sách | Bình luận về bài viết này

Totto-chan bên cửa sổ – Trong trẻo và đáng yêu…

Bản thân không dám tự nhận là người đọc nhiều nhưng số lượng thì cũng được kha khá. Và mặc dù đã đọc qua nhiều thể loại sách, từ sách đi cùng năm tháng tới những đầu sách mới kiểu trẻ trung và thần tượng. Có quyển ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc, thậm chí là ám ảnh. Nhưng đến giờ thì “Totto-chan bên cửa sổ”, hay còn được gọi với tên “Totto-chan, cô bé bên cửa sổ” vẫn là cuốn sách tôi thích nhất. Nó chưa từng khiến tôi ám ảnh, cũng không phải là một câu chuyện khiến tôi không thể dứt ra để đọc một mạch đến trang cuối cùng. Đó chỉ đơn giản là những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống được thể hiện qua cái nhìn của một cô bé nhỏ. Tuy nhỏ nhặt nhưng nó lại có sức lay động và lan tỏa lớn lao.

Totto-chan lấy nền là câu chuyện về một bé gái học lớp một bị đuổi học vì không thể tập trung trong lớp và có những hành động “gây rối” (được cho là thế) lớp học. Cô bé đó đã được mẹ đưa đến một ngôi trường học mới, một ngôi trường đặc biệt. Nơi mà cô bé đó được sống và học trong một môi trường thú vị. Nơi mà mỗi học sinh lúc tan trường đều cảm thấy buồn và muốn nhanh chóng đến sáng để quay lại trường học. Nơi khắc ghi mãi trong ký ức của cô bé và là nơi hình thành nên chính bản thân của cô bé sau này, cũng như của tất cả các học sinh sau này.

Totto-chan đơn giản như vậy. Trong Totto-chan, không thể tìm thấy những câu chuyện tình ngang trái và lay động lòng người, không thể tình thấy những bài học lớn lao về gia đình và các mối quan hệ, không  thể tìm thấy những câu chuyện ly kỳ và bí ẩn…

Totto-chan không mang lại cho tôi một câu chuyện hấp dẫn và gay cấn. Nhưng Totto-chan đã vẽ ra một bức tranh đệp và trong trẻo. Một bức tranh mà mỗi lần nhìn vào, tôi đều thấy nhẹ nhõm và bình yên…

Ở Totto-chan, tôi đã nhìn thấy vẻ đẹp của tình yêu. Đó là tình yêu của người hiệu trưởng đặc biệt dành cho học sinh của mình, đơn giản chỉ là ngồi nghe một cô bé nói chuyện trong bốn giờ, hay là việc nghĩ đến những học sinh khiếm khuyết và tạo cho mọi học sinh đều hòa đồng trong một môi trường vui vẻ và thân thiện. Đó là tình cảm gia đình nhẹ nhàng với việc lo lắng cho nhau, đơn giản như việc người mẹ không  nói cho đứa con việc nó bị đuổi học vì lo lắng cho sự mặc cảm và tự ti, hay như việc người bố đi khắp mọi nơi tìm cho con gái một chiếc dây buộc tóc. Đó là tình yêu thiên nhiên với từng cành cây, ngọn cỏ. Đó là tình yêu âm nhạc bằng cả trái tim. Đó là tình cảm dành cho một con vật nuôi thân thiết. Đó là tình cảm bạn bè, sự quan tâm, nghĩ cho nhau, giúp đỡ nhau…

Tôi cũng đã nhìn thấy trong Totto-chan ý nghĩa từ những mảnh ghép. Từ “Thầy hiệu trưởng” đến “lời hứa”. Từ “bể bơi” đến việc “đi dạo”. Từ “hết sức kỳ lạ!” đến việc “nói chuyện bằng tay”. Từ “mong ước cả đời” đến “điệp viên”. Từ “tết tóc hai bên” đến “dây buộc tóc”. Từ “em thật là một cô bé ngoan” đến “sau đó thì…”. Từ “bộ quần áo xấu xí nhất” đến “bữa tiệc trà”. Từ “món của núi và món của biển” đến việc “nhai thật kỹ”… Tất cả, tất cả đều dung dị và nhẹ nhàng. Như một lời tâm sự, cứ từ từ đưa tôi vào thế giới của Totto-chan, đặc biệt là ngôi trường “Toa xe lửa” Tomoe.

Và một điều nữa. Tôi nhìn thấy ở Totto-chan một cuộc sống giản dị với những điều nhỏ bé, nhưng chính những điều nhỏ bé đó lại có sức hút lớn lao và tạo ra sự ngạc nhiên thú vị. Trong cuộc sống bộ bề vẫn còn có những điều nhỏ bé đáng yêu và thú vị, chỉ là tôi chưa tìm thấy. Và Totto-chan đã và sẽ luôn nhắc nhở tôi điều đó…

———————————————

Totto-chan bên cửa sổ

Tác giả: Kuroyanagi Tetsuko

Là một cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 1981 và đã thu hút nhiều thế hệ đọc giả trong suốt 30 năm. 😀

Categories: Sách | Bình luận về bài viết này

Đất Phương Nam (Đoàn Giỏi) | Có một Đất Phương Nam khác…

Còn nhớ đã rất lâu rồi, lúc còn bé, đã từng rất thích thú với phim Đất phương nam, lúc đó nhắc đến cậu bé An thì ai cũng biết cả. Có thể nói đó là một bộ phim thành công, vì đã sống trong lòng khán giả, gợi lên nhiều thứ xúc cảm sâu lắng.

Một hôm dạo quanh nhà sách tình cờ đập vào mắt “Đất rừng phương nam” thế là không cầm lòng mua về đọc thử, cũng như để ôn lại chút kỷ niệm xưa khi xem phim.

Nhưng càng đọc càng thấy khác, khác nhiều lắm. Dù tình tiết phim không còn nhớ nhiều lắm, có những thứ chỉ mang máng thôi, nhưng đủ để nhận ra có nhiều thứ khác biệt.

Truyện không có nhiều chi tiết như phim, không có nhiều nhân vật như phim, cậu bé An trong truyện không có cơ duyên gặp nhiều người cưu mang như trong phim. Nếu tính ra thì truyện chỉ chia làm hai phần chính, phần 1 lưu lạc và làm việc tại quán dì Tư Béo và phần hai là cuộc sống với gia đình nuôi.

Và thế là khi đọc truyện, dường như được chứng kiến một “Đất phương nam khác” vậy. Một cảm giác lạ mà quen, cũ mà cũng thật mới mẻ.

Đọc Đất rừng phương nam ấn tượng với hai điều. Một là Đất rừng phương nam được vẽ lên thật sống động, hai là tình cảm chất phác, hồn hậu của người dân phương nam mà đặc biệt là vợ chồng ông Hai, nhiều đoạn làm cho người đọc thật sự xúc động.

Một cuốn sách hay và đáng để đọc. Đọc để tìm thấy một Đất phương nam “khác” cũng hấp dẫn không kém, đọc để thấm đượm tình cảm chân thành của những con người bần cùng, ở “chiếu dưới” trong xã hội để một lần nghe con tim thổn thức những tình cảm giản dị, đẹp đẽ.

Categories: Sách | 6 bình luận

Những tấm lòng cao cả – Không chỉ là một cuốn sách thiếu nhi…

Khi mua cuốn sách có tên “Những tấm lòng cao cả”, hay thậm chí lúc giở trang đầu tiên của cuốn sách ra đọc vào một buổi tối bình thường đến nhàm chán, tôi vẫn không hề biết rằng mình đang giở từng trang của một “kho báu” lớn, một “kho báu” không hề khó tìm.

Một cuốn sách dành cho thiếu nhi? Có lẽ, vì nó được viết qua con mắt của một cậu bé học lớp 3, viết qua cái nhìn, qua cách nghĩ, qua thế giới quan, nội tâm của cậu nhóc ấy. Thế giới hiện qua đôi mắt trẻ thơ ấy thật sự sống động. Tuy nhiên có phải nó chỉ là một cuốn sách dành cho thiếu nhi đơn thuần? Và câu trả lời là không, vì ở đó còn có nhiều thứ lớn lao hơn nhiều.

Đó là những bài học nhân sinh quan thật sự ý nghĩa. Bài học về tính kiên trì trong cuộc sống. Bài học về sự chăm chỉ, cần cù để đạt được mục tiêu. Bài học về tình bạn, về cách đối xử với mọi người. Bài học về lòng dũng cảm, về tính cẩn thận, về sự ham học hỏi, ham tìm tòi. Bài học về lòng thương người, về tình yêu. Bài học về tình cảm gia đình, tình cảm giữa con người với con người.

Đó là cách trò chuyện giữa cha mẹ và con cái. Cách ba mẹ răn dạy cho con những bài học nhỏ, cách ba mẹ đôi thoại với con một cách tôn trọng và thẳn thắng. Cách những thành viên trong gia đình giao tiếp với nhau, yêu thương nhau, chăm sóc cho nhau.

Đó là tấm lòng của những người được gọi là thấy, là cô. Họ sống hết mình vì một mục đích cao cả, vì những đứa trò nhỏ với đôi mắt tròn xoe ngây thơ nhìn họ. Cả một đời vì học sinh, không hề vụ vợi, không hề nản lòng, không hề đánh mất tâm huyết, đánh mất lòng tin, tình yêu.

Cứ mỗi trang sách, ta lại tìm được một điều đẹp đẽ, một bài học đáng trân quý, một tấm lòng thật cao cả.

Đừng nghĩ cao cả là thứ gì đó quá lớn lao, quá khó tìm. Đó chỉ là những tấm lòng giản dị, nhỏ bé, nhưng xứng đáng với từ “cao cả”.

Hãy một lần đọc để cảm nhận, để thấy, để đắm chìm vào từng con chữ, từng lời nói, từng hình ảnh. Tin chắc bạn sẽ tìm được cho mình những khoảng lặng tâm hồn, một chút bình yên giản đơn, hay chỉ là một bài học nhỏ bé nào đó.

——————————————————————

Đặc biệt tôi nghĩ bất kỳ một nhà giáo nào cũng nên đọc cuốn sách trên để tìm được những thứ đẹp đẽ, tìm thấy động lực, tìm thấy chút ý nghĩa của nghề. Và các bậc cha mẹ cũng nên đọc để học cách trò chuyện với con cái một cách khoa học 😀

Categories: Sách | Bình luận về bài viết này

Tạo một blog miễn phí với WordPress.com.